Indonesia và Malaysia là hai quốc gia có nghề thẩm định giá phát triển và có uy tín trong khu vực Đông Nam Á. Cả hai quốc gia đều có đại diện là thành viên của Hiệp hội các nhà thẩm định giá ASEAN (AVA) cũng như Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVSC). Bà Susan Widjojo đến từ Indonesia hiện đang được các thành viên AVA bầu giữ vai trò Tổng thư ký của AVA (trước đó là ông Elvin Fernandez đến từ Malaysia), đồng thời, Hiệp hội thẩm định viên Indonesia (MAPPI) cũng đang được giao vận hành trang thông tin điện tử của AVA.
Tại Malaysia, theo quy định của Luật số 242 năm 1981 sửa đổi bổ sung gần nhất vào năm 2018 quy định về những người hành nghề quản lý tài sản, đại lý bất động sản, đánh giá viên, thẩm định viên của Malaysia, Tổng cục thẩm định giá và dịch vụ tài sản thuộc Bộ Tài chính là cơ quan được giao thi hành Luật số 242. Cơ quan này có chức năng thu thập, kiểm tra, đối chiếu, công bố và cung cấp các thông tin hỗ trợ cho các công chức và thẩm định viên trong thực hiện thẩm định giá, cung cấp dịch vụ đào tạo, nghiên cứu, đồng thời theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể trực tiếp thực hiện việc thẩm định giá các tài sản như nhà đất phục vụ cho các mục đích như giải quyết các vụ kiện tại tòa án, trọng tài... Nhiệm vụ quản lý hành nghề của các thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá sẽ do cơ quan nhà nước là Ban thẩm định viên, đánh giá viên, đại lý bất động sản, những người hành nghề quản lý tài sản thực hiện. Các thành viên của Ban này được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó, Chủ tịch của Ban là Tổng cục trưởng Tổng cục thẩm định giá và dịch vụ tài sản. Ban này được phép quy định các loại phí với sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính, quyết định và quy định các tiêu chuẩn hành nghề, ban hành các Thông tư, hướng dẫn theo thẩm quyền. Cá nhân trên 21 tuổi đủ các điều kiện tiêu chuẩn về đạo đức đã vượt qua kỳ thi do Ban tổ chức muốn trở thành thẩm định viên đăng ký hành nghề có thể đăng ký và nộp phí đăng ký để trở thành thẩm định viên tập sự. Các thẩm định viên tập sự sau khi thu thập kinh nghiệm làm việc thực tế và vượt qua kỳ kiểm tra năng lực hành nghề được quy định bởi Ban có thể đăng ký và nộp phí đăng ký với Ban để được xem xét trở thành thẩm định viên đăng ký hành nghề. Các thẩm định viên không được phép hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề tại doanh nghiệp đã đăng ký với Ban.
Tại Indonesia, các quy định liên quan đến quản lý nhà nước đối với thẩm định viên về giá được quy định tại văn bản pháp lý số 101/PMK.01/2014 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia. Theo văn bản pháp lý số 101/PMK.01/2014, thẩm định viên về giá ở Indonesia được phân nhóm thành: thẩm định viên các tài sản đơn giản (ví dụ: đất trống có diện tích dưới 5000 m2 được quy hoạch xây dựng một nhà ở; một căn hộ; một máy đơn lẻ được sử dụng trong các căn hộ ở; văn phòng; một phương tiện giao thông), thẩm định viên các tài sản (ví dụ: đất và công trình cùng các trang thiết bị có thể phát triển trên khu đất, phương tiện giao thông, trang bị hạng nặng, phương tiện truyền thông, khai thác mỏ, nông nghiệp…) và thẩm định viên các tài sản là doanh nghiệp (ví dụ: doanh nghiệp, các khoản đầu tư, chứng khoán, tài sản vô hình..). Thẻ thẩm định viên về giá cả 3 nhóm trên đều do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp. Đơn vị có thẩm quyền ban hành các Tiêu chuẩn thẩm định giá của Indonesia là Hiệp hội nghề nghiệp về thẩm định giá. Đơn vị này được thành lập bởi Bộ Tài chính thông qua một Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hiệp hội nghề nghiệp về thẩm định giá cùng với Trung tâm phát triển dịch vụ thẩm định giá và kế toán của Bộ Tài chính là 02 đơn vị cung cấp các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên là điều kiện để hành nghề thẩm định giá.
Nguồn MOF